Hồ nước, bể cá, hay non bộ trước nhà còn là điểm tụ thủy và tiểu cảnh rất được ưa dùng trong nhà ở sân vườn. Khi sắp xếp cây bon sai non bộ thường tuân thủ theo các thế truyền thống (Tam tài, Tứ linh, Ngũ hành, Phụ Tử). Vì đây là biểu tượng vũ trụ thu nhỏ của triết học đông phương chứ không đơn thuần là trang trí. Nước trong non bộ nên là nước động để kích hoạt nguồn khí, có thể chảy róc rách, thác đổ hay bể tràn tùy theo đặc tính, chủ đề non bộ hoặc tính cách gia chủ.
Ðối với nhà phố hay chung cư, diện tích và khoảng trống thường không đủ để làm am nước và trồng cây lớn mà việc đặt non bộ trong nhà còn gây ẩm thấp. Vì thế chỉ nên dùng bể cá có cây tiểu cảnh loại nhỏ. Dân gian có nói: “Thủy duỡng Mộc”, cây không thể sống và phát triển tốt nếu thiếu nước. Trong bố trí cây xanh cho Dương trạch, cần phải xem cây xanh và mặt nước là hai yếu tố không thể tách rời. Chúng bổ sung, tương hỗ cho nhau. Cây là Dương, đón nhận ánh sáng gọi là Dương quang và hút nước từ đất (Âm thủy). Do đó nhìn cây xem mạch đất chính là nhờ sự liên hệ Thủy Mộc tương sinh.
Hành Thủy phát huy khá hiệu quả trong các công trình du lịch - nghỉ ngơi - giải trí. Ngôi nhà ở mà thiếu hành Thủy thì xem như khiếm khuyết yếu tố nuôi dưỡng cho hành Mộc và hạn chế tính Hỏa vượng. Hành Thủy được hành Kim sinh ra, gặp hành Thổ thì bị khắc chế bớt. Tuy nhiên người xưa cũng nói “nhất Thủy nhì Hỏa” - hành Thủy luôn đóng vai trò kích hoạt nguồn khí trong môi trường sống nhưng cũng đứng đầu trong các hiểm họa thiên nhiên mà con người luôn phải biết chung sống một cách cẩn trọng. Hành Thủy trong chọn lựa nơi cư trú và tổ chức cảnh quan.
Khí của cuộc đất về cơ bản chính là do Thủy khí tạo nên. Thủy thế có uốn lượn nhu hòa thì mới gia tăng lợi ích cho cư dân. Ngược lại, nhà xây sát bên những con sông lớn mà nước chảy xiết, thẳng tuột hoặc có những khúc cua quẹo gấp thì lại bất lợi vì không phù hợp với nhịp sinh học của con người và sinh vật trong vùng. Tính chất “bên lở bên bồi” cũng khiến cho tuy chung một dòng nhưng hai bên bờ sông sẽ có tính chất thổ nhưỡng và trường khí khác nhau, cần tìm hiểu kỹ khi lựa chọn thổ trạch.
Nếu biết khai thác Thủy khí đúng mức trong quy hoạch tổng thể, kết hợp giữa đường cong và đường thẳng thì sẽ vừa tránh được Trực Xung thẳng hàng vừa tạo tuyến giao thông - cảnh quan hài hòa tốt với môi trường thiên nhiên hơn, nhất là đối với những đô thị có đặc trưng cảnh quan sông nước . Do châu Á, phương Đông vốn thuộc Mộc, kiến trúc luôn nương nhờ thiên nhiên nên hành Thủy (sinh Mộc) được ưa chuộng khi bố cục cảnh quan, từ lối đi quanh co đến bờ ao giếng nước, từ non bộ hồ cảnh đến tranh sơn thủy nội gia, làm nên đặc trưng văn hóa cư trú của dân vùng nông nghiệp lúa nước. Thời hiện đại, trong nhà ở và công trình phục vụ du lịch (nghỉ ngơi, giải trí…), Thủy khí được phát huy như một yếu tố làm dịu đi các góc cạnh, tăng tính Mộc (che chở nuôi dưỡng, Thủy sinh Mộc) như các khu resort rất chuộng cách bố trí xoay quanh hồ bơi trung tâm.
Thủy khí - bao nhiêu cho vừa?
Cách đưa nước vào nhà cũng có nhiều dạng, cần phải khéo chọn lọc khu vực và kỹ thuật xây dựng phù hợp, nhất là trong điều kiện khí hậu nước ta vốn là nóng ẩm, lại thường xuyên có mùa mưa và nhiều vùng lũ lụt, độ ẩm cao dễ gây hư hại công trình và ảnh hưởng đến sức khoẻ người cư ngụ. Những khu vực có bố trí mặt nước mà để tù đọng chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm, bất lợi cho môi trường sống. Thủy khí chỉ tốt khi dòng nước được luân chuyển và trong lành, sinh vật, hoa lá tươi tốt chung quanh. Đối với nhà nhìn ra trước có sông - hồ - ao tức là được một Thủy Minh Đường tốt. Nhưng vì dòng nước luôn chuyển động nên cần có một Thổ Minh Đường để đảm bảo khoảng cách nhất định. Trên khoảng Thổ Minh Đường này cần trồng thêm cây xanh vừa có tác dụng bám rễ giữ đất vừa tạo cảnh quan. Gió và Nước là hai yếu tố quan trọng và cần điều tiết vừa phải, chọn lọc lấy phần trong lành nhất để hữu dụng bền lâu.
Vận dụng Thủy khí trong bài trí nhà ở:
Để tạo Thủy khí tốt, nhà ở thường sử dụng các dạng vật chất cụ thể hoặc ẩn dụ đặc trưng của hành Thủy.Ví dụ cuộc đất xây dựng thường hay có hình vuông hoặc hình ống, khi tạo lối đi từ ngoài vào nhà nên tuân theo quy luật Thủy Đáo Cục - thế nước chảy đến uốn khúc mềm mại - tức là cách tiếp cận không trực tiếp mà thông qua đường uốn lượn. Tại điểm nút giao thông như sân, tiền sảnh và cửa chính, có thể bố trí các tiểu đảo trồng cây, non bộ hoặc hồ bán nguyệt (dạng Kim Thủy liên hoàn) để vừa giảm Trực Xung Đối Môn, vừa tạo một khoảng đệm cần thiết trước khi khách bước chân vào nhà.
Đối với nội thất, Thủy khí biểu hiện qua cách dùng vật liệu thủy tinh (gương, kính) nhằm giúp ngăn cách, tạo sự kết nối không gian các phòng. Có thể sử dụng vách ngăn bẳng kính trong hoặc mờ, kính kết hợp thác nước nhân tạo, hoặc dùng gương phản chiếu để nới rộng không gian và tăng tầm quan sát tại các vị trí khuất như đầu cầu thang, cuối hành lang hoặc góc phòng. Thủy khí có thể đưa vào không gian phòng ngủ, phòng trẻ em hoặc nơi thư giãn (những không gian tĩnh, thuộc Mộc) để Thủy dưỡng Mộc, bằng cách tạo các vật dụng dạng uốn lượn mềm mại như bàn ghế dạng Thủy trang trí hoa văn trên tường, đóng trần uốn khúc, lát gạch họa tiết mềm mại hoặc bông sắt dạng gợn sóng.
Đôi khi trong một không gian sinh hoạt chung chỉ cần một chậu thủy tinh nhỏ đổ nước thả hoa tươi cũng đủ để tăng thêm sự mềm mại và tính thiên nhiên vào nội thất, bổ sung Thủy khí hữu hiệu. Người ta gọi là lấy thủy dẫn long.
Giới thiệu một số vật trang trí mang dạng Thủy có ý nghĩa phong thủy:
Guồng nước phong thuỷ: Nước tượng trưng cho tài lộc. Nguồn nước chuyển động tuần hoàn, được xem là sự thịnh vượng vĩnh cửu trong cuộc sống của con người. Khi guồng hoạt động , không khí được lưu thông làm tăng dương khí, xua tan âm khí tạo nên môi trường trong sạch giúp cho cuộc sống sảng khoái, tinh thần được minh mẫn . Guồng nước phong thủy quay trong hòn non bộ được bày đặt núi non có động, thực vật phong phú, có mạch nước chảy ngày đêm như đưa trời đất về với cuộc sống hàng ngày. Guồng nước phong thủy được bố trí chấn trạch trong nhà, trong khu đất có biệt thự sang trọng hoặc trong phòng làm việc có nước lưu thông thì thật là ôn hoà, mang lại sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ là cái tâm mà ai cũng mong muốn .
Thác nước phong thủy : Theo phong thủy, vạn vật đều được sinh ra và phải trải qua 5 thái trạng cơ bản của tạo hóa là: Kim - Thủy - Hỏa - Mộc - Thổ. Thuyết Ngũ Hành thể hiện sự giao hoa, tương tác của vạn vật trong vũ trụ. Mối quan hệ ràng buộc và tất yếu này được thể hiện qua 2 vòng quan hệ tuần hoàn: Trong mối quan hệ tương Sinh: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Trong mối quan hệ tương Khắc: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.
Dựa trên nền tảng là thuyết Phong Thủy, thác nước phong thủy được tạo ra để thể hiện, biểu trưng cho quy luật quan hệ tương tác khép kín và vĩnh hằng, những dòng nước chảy tuần hoàn của thác nước cũng nói nên điều này. Thác nước Phong thủy thường được chế tác gồm 5 viên đá ngũ sắc tượng trưng cho 5 vật chất, 5 trạng thái, 5 mối ràng buộc tất yếu của thuyết "Âm - Dương - Ngũ - Hành", mang ý nghĩa cầu toàn, cầu "mưa thuận gió hòa" cho gia chủ. Có rất nhiều vị trí đặt thác nước phong thủy như trong nhà hay ngoài vườn, trên bàn, treo trên tường và nhiều nơi khác. Tuy nhiên không nên đặt thác nước trong phòng ngủ vì sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của gia chủ.
Hướng đặt thác nước phong thủy : Đông: kích thích các yếu tố sức khỏe và gia đạo. Đông Nam: nếu muốn cầu sự thịnh vượng và giàu có. Bắc: sẽ tốt cho sự nghiệp và đường danh vọng. Không nên đặt thác nước theo hướng Nam vì đây là hướng của Lửa (hành Hỏa), vừa xung khắc (nước dập tắt lửa) vừa gây bất lợi cho đường sự nghiệp của gia chủ.
Những điều cần lưu ý ở thác nước phong thủy: Chất lượng nước và cảnh quan bố trí xung quanh được hết sức chú trọng, nước đục hay cảnh quan trơ trọi sẽ làm giảm tác dụng phong thủy của thác nước nếu không nói là có hại vì phát sinh “tà khí”.Sử dụng thêm chất liệu đá và pha lê, đặt thêm cây xanh, tăng lượng ánh sáng xung quanh sẽ góp phần làm tăng thêm những lợi ích tốt đẹp mà thác nước phong thủy mang lại cho không gian sống của bạn.Nếu bạn chưa phải là người đam mê Phong Thủy thì đây cũng là một món quà thú vị mang lại sự mới lạ cho ngôi nhà của bạn. Không gian nội thất sẽ trở nên cuốn hút và sống động hơn nhờ tiếng nước chảy róc rách, đưa cuộc sống hối hả hiện đại trở lại với thiên nhiên.
Tất nhiên xét về Ngũ hành, khoa học Phong thủy luôn đòi hỏi sự hài hòa và bổ sung lẫn nhau, không quá thiên về một hành nào để trường khí nơi cư ngụ được cân bằng và phát triển bền vững.
.: Ks-Kts . Lê Trọng Cường - Giám đốc Cty kiến Trúc Delta :.